• ĐẠI LÝ BRIDGESTONE
  • CHÍNH SÁCH BẢO HÀNH LỐP XE BRIDGESTONE
  • trung tam vo xe
  • BRIDGESTONE

Công nghiệp ôtô VN quá phụ thuộc nước ngoài

Với một thị trường đầy tiềm năng cùng nhiều chính sách “trải thảm” cho nhà đầu tư, nhưng sau 21 năm ngành ôtô VN chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng. 

Công nghiệp ôtô VN quá phụ thuộc nước ngoài  
Dây chuyền lắp ráp ôtô Trường Hải, doanh nghiệp trong nước hiện chiếm 38,6% thị phần ôtô - Ảnh: LÊ TRUNG

Với hơn 90 triệu dân, trong đó 67% trong độ tuổi lao động (dân số vàng), VN có một thị trường ôtô đầy tiềm năng. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, trong đó vận chuyển hành khách chiếm khoảng 91,4% và hàng hóa 70,6%.

Đặc biệt, ôtô cá nhân sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân để thay thế dần cho trên 40 triệu xe gắn máy đang lưu hành. Tăng trưởng thị trường ôtô hằng năm gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Đến năm 2025, dân số VN vào khoảng 120 triệu người, GDP trên dưới 3.000 USD/người/năm. Nhu cầu thị trường ôtô sẽ đạt gấp 6 - 8 lần so với hiện nay, khoảng 800.000 - 900.000 xe/năm.

Doanh số xe các loại bán ra dù bắt đầu tăng từ năm 2014 và đến nay đạt gần 200.000 xe/năm nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô sản xuất và nhu cầu thị trường. Công nghiệp ôtô VN hiện mới chỉ đáp ứng 10 xe (xe con)/1.000 dân, trong khi tỉ lệ này ở các nước Asean là 80 - 144 xe/1.000 dân.

Trong số 14 doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp ôtô của VN hiện nay, chỉ có 2 DN có thị phần lớn là Toyota VN (chiếm 24,6%) và Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) chiếm 38,6%. Trong 21 năm phát triển công nghiệp ôtô và 14 năm xây dựng nội địa hóa các dòng ôtô, các nhà máy sản xuất ôtô mới chỉ đạt khoảng 25% công suất, nhưng hầu hết các chỉ tiêu về nội địa hóa các dòng xe đều chưa đạt.

Để phát triển công nghiệp ôtô, VN cần có công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển. Thế nhưng đến nay, VN chỉ có khoảng 100 DN nhỏ tham gia CNHT, sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ôtô đơn giản, hàm lượng công nghệ và tỉ lệ giá trị thấp, tỉ lệ nội địa hóa chỉ từ 15% (xe du lịch) cho đến 25% (xe tải) và 40% (xe khách).

Trong khi Thái Lan có tới trên 1.800 DN làm CNHT với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 80% và có rất nhiều linh kiện đã tham gia chuỗi cung ứng cho công nghiệp ôtô quốc tế. Ngành CNHT tại VN được đánh giá chỉ bằng 1/5 so với Indonesia, 1/8 so với Malaysia và 1/50 so với Thái Lan và hầu như không nhận được chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Từ thực tế đó, có thể khẳng định rằng dù có nhiều chính sách “trải thảm” nhưng theo kiểu cào bằng, không ràng buộc rõ trách nhiệm DN về tỉ lệ nội địa hóa, đặc biệt là quá phụ thuộc vào DN liên doanh và doanh nghiệp FDI là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ôtô VN phát triển không như kỳ vọng.

Sau năm 2018, thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN được xóa bỏ. Khi đó, nếu không có DN đầu tàu với năng lực cạnh tranh đủ mạnh, VN sẽ biến thành thị trường ôtô của các nước trong khu vực Asean với các loại xe giá rẻ, gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng, ngành công nghiệp ôtô, CNHT và công nghiệp cơ khí sẽ không đạt mục tiêu đã đề ra, người lao động sẽ mất việc làm.

Để không rơi vào viễn cảnh này, đã đến lúc Nhà nước và các DN ôtô VN phải có những chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D)... một cách bài bản và bền vững.

Kinh nghiệm làm công nghiệp ôtô ở VN cho thấy năng lực của nhà sản xuất ôtô nội địa không đến từ vốn đầu tư hoặc từ quy mô ban đầu mà đến từ năng lực cạnh tranh, R&D và quản trị DN.

Trước mắt, các DN phải xây dựng sẵn cơ sở hạ tầng cho công nghiệp ôtô (như kho, cảng biển, vận chuyển hàng hóa...), tổ chức hoạt động R&D theo chuẩn mực quốc tế, có sẵn nguồn nhân lực kỹ thuật cao để tiếp nhận tốt sự chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài.

Việc thành lập những cụm công nghiệp ôtô với những DN ôtô đầu tàu như Thaco và một đối tác chiến lược nước ngoài tầm cỡ, đồng thời kết nối với các DN nhỏ và vừa là điều kiện đủ để hội nhập thành công.

Có thể nói khe cửa để phát triển công nghiệp ôtô của VN đang rất hẹp, sẽ có nhiều DN không chịu nổi sức ép cạnh tranh phải rời cuộc chơi.

Nhưng đây lại là lúc thị trường dành cho những DN có chiến lược khác biệt, có năng lực công nghệ, có đội ngũ nhân lực kỹ thuật mạnh và năng động, có tiềm lực tài chính, có phương thức quản trị tốt và có đối tác chiến lược tầm cỡ để phát triển bền vững.

Go Top