• ĐẠI LÝ BRIDGESTONE
  • CHÍNH SÁCH BẢO HÀNH LỐP XE BRIDGESTONE
  • trung tam vo xe
  • BRIDGESTONE

Ô tô nhập khẩu: Khó càng thêm khó

Nếu dự thảo Thông tư mới của Bộ GTVT được chấp nhận, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe sẽ gặp khó khi quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp này phải có bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp hoặc phiếu kiểm tra quy định chất lượng xuất xưởng...

 

Cùng với đó, Bộ Công Thương vừa đề xuất phương án: Nếu bãi bỏ Thông tư 20, Thủ tướng Chính phủ cần giao cho các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Nếu những quy định mới này được chấp nhận, xe nhập khẩu đã khó càng thêm khó.

Vừa qua, Bộ GTVT đã gửi đến các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Trong nội dung dự thảo Thông tư mới, phần hồ sơ đăng ký kiểm tra xe quy định: xe cơ giới nhập khẩu phải nộp Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Xét theo cơ chế trước đây, khi nhập khẩu xe nguyên chiếc về thị trường trong nước, cơ sở nhập khẩu chỉ cần kê khai theo mẫu của cơ quan đăng kiểm và cung cấp bản sao thông số kỹ thuật của xe là đã có thể hoàn thành các thủ tục. Tuy nhiên, các quy định ở dự thảo thông tư mới có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu (đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng) gặp khó.

Không ít doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân giãi bày, việc yêu cầu các cơ sở này cung cấp Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp là điều rất khó khăn đối với các cơ sở nhập khẩu không có giấy ủy quyền chính hãng bởi đa số các doanh nghiệp thường đặt xe qua các đại lý chứ không làm việc với hãng. Và việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ này của Bộ GTVT cũng khó không khác gì quy định từ Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương khi yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu xe bổ sung thêm hai loại giấy tờ doanh nghiệp là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chính hãng, giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Ngoài ra, khi câu chuyện về Thông tư 20 gần như đã ngã ngũ sau một thời gian dài gây ra tranh cãi thì các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng cũng chưa thể vui mừng.

Trong công văn báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20 sau một thời gian "lắng nghe ý kiến các bên", Bộ Công Thương đã cho biết: Thông tư 20 chưa phải là giải pháp toàn diện và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.

Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Không những thế, Thông tư 20 chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước.

Để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT, không phải Bộ Công Thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu.

Ngoài ra, Bộ này cũng cho hay,  Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển... Vì vậy, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20, tiếp tục coi thường người tiêu dùng nói riêng và an toàn của toàn xã hội nói chung.

Các tiêu cực dạng trên không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng (như Thông tư 20 cũ quy định) mà chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện. Theo đó, Bộ này đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam. Và chỉ bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực. 

Ngay sau khi đề xuất đó của Bộ Công Thương được công bố, các doanh nghiệp nhập khẩu xe một lần nữa lại cho rằng quy định này làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng chẳng khác so với Thông tư 20. Thậm chí, còn nhiều lo ngại rằng không chỉ doanh nghiệp kinh doanh xe không chính hãng bị ảnh hưởng mà hàng ngàn gara sửa chữa ô tô tư nhân đang tồn tại cũng sớm phải đóng cửa.

Go Top