Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, công tác phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng là nội dung trọng tâm của chiến lược.
Theo đó, mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ…
|
Trong đó, về chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn nguy hại được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng. Đa dạng hóa công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật; người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển các sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải theo đúng quy định của pháp luật để chuyển đến các điểm thu hồi theo quy định.
Bên cạnh đó, khuyến khích thu gom, xử lý chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh; xây dựng, phát triển các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung, quy mô vùng tỉnh, vùng liên tỉnh theo quy hoạch quản lý chất thải rắn được phê duyệt, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạn chế phát triển và giảm dần về số lượng những cơ sở xử lý có quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế chuyên sâu đối với các loại chất thải nguy hại đặc thù đồng thời với việc phát triển các cơ sở xử lý có khả năng tái chế, xử lý đa dạng các loại chất thải nguy hại khác nhau; tăng cường việc chuyển giao chất thải giữa các cơ sở xử lý chất thải để tận dụng thế mạnh của mỗi cơ sở trong quá trình xử lý.
TP HCM ứng dụng “cảm biến” vào thùng rác thông minh
Mới đây, TP. HCM chính thức thông qua đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Theo đó, Bridgestone Việt Nam tiếp tục là đơn vị tiên phong mang đến ứng dụng “cảm biến” vào thùng rác thông minh với phương châm “Đường sạch, phố xanh – Cuộc sống an lành”.
Theo đề án, thành phố sẽ triển khai nhiều ứng dụng, giải pháp trong thời gian tới, trọng tâm trên các lĩnh vực như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, Phó trưởng ban Ban điều hành đề án đô thị thông minh cho biết, các giải pháp công nghệ được khuyến khích để giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân như môi trường hay giao thông.
Hiện thành phố đã kêu gọi sự chung tay của 4 chủ thể chính của đô thị bao gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Từ phía doanh nghiệp, Bridgestone Việt Nam tiếp tục là đơn vị tiên phong mang đến ứng dụng “cảm biến” vào thùng rác thông minh với phương châm “Đường sạch, phố xanh – Cuộc sống an lành”.
Nham thạch đe dọa các tuyến đường cao tốc ở Hawaii, hàng nghìn người sơ tán
Nham thạch bắn tung tóe trên miệng núi lửa Kilauea của Hawaii đã đe dọa các tuyến đường cao tốc vào ngày 14/5, khiến các nhà chức trách phải yêu cầu hàng nghìn người sơ tán trước khi các tuyến đường bị chia cắt.
Nham thạch từ một khe nứt lớn đã phun qua đất nông nghiệp hướng tới một con đường đất ven biển. Đây là một trong những lối thoát cuối cùng cho khoảng 2.000 cư dân ở khu vực phía Đông Nam của Đảo Lớn Hawaii.
Dự báo, nham thạch phun ra sẽ tạo nhiều vết nứt trong nhiều ngôi nhà và vùng nông thôn cách phía Đông của đỉnh khói núi lửa Kilauea khoảng 40 km, thậm chí có thể chặn một trong những lối thoát cuối cùng, Quốc lộ 132.
“Đài phun nước magma phun ra "quả bom dung nham" khoảng 30 mét vào không khí khi tảng đá tan chảy đi về phía Đông – Đông Nam hướng tới con đường ven biển - Quốc lộ 137” - Đài thiên văn Núi lửa Hawaii cho biết.
Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, Hawaii Jeff Hickman, việc sơ tán hàng loạt sẽ diễn ra nếu một trong hai đường cao tốc bị ảnh hưởng bởi dung nham.
Quốc lộ 137 là con đường có thể “hứng” dòng chảy dung nham, khoảng 3 km. Đứng trên Quốc lộ này, Hickman cho biết: “Có rất nhiều trường hợp xấu có thể xảy ra và đường bị chặn là một trong những trường hợp đó”.
Yên Bái: Hội phụ nữ xã Tuy Lộc thi đua bảo vệ môi trường
Nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với việc nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sống, thời gian qua, Hội phụ nữ xã Tuy Lộc phát động, triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua, trong đó gắn nội dung công tác Hội và các phong trào Hội với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chị Hoàng Thị Hải Vân – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tuy Lộc cho biết: “Hội có 980 hội viên tham gia sinh hoạt. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và cụ thể hóa cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới, Hội đã thành lập các mô hình bảo vệ môi trường, cụ thể như: phối hợp với UBND và các tổ chức đoàn thể của xã tham gia tổng vệ sinh 4,5 km tuyến đường đê bao; 97% chị em trong Hội tham gia giữ gìn vệ sinh tại hộ gia đình, thu gom rác thải đúng nơi quy định; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã trồng và chăm sóc tuyến đường hoa khu vực nghĩa trang Xuân Lan; lao động dọn dẹp các bể chứa nước khu sản xuất rau an toàn…
Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, đồng thời phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường”.
Nổi bật nhất phải kể đến việc Hội cho hình thành mô hình Câu lạc bộ “Hạn chế sử dụng túi ni lông” tại Chi hội thôn Minh Long. Tại đây, các hội viên có nhiệm vụ hạn chế sử dụng túi ni lông hết mức có thể. Thay vì sử dụng túi ni lông, chị em có thể thay thế bằng sử dụng bao giấy, lá chuối… để gói, bọc đồ dùng, thức ăn… Bên cạnh đó, Chi hội cũng tích cực vận động bà con dùng làn để đi chợ, thu gom túi ni lông bẩn vào thùng rác công cộng…
Điện Biên chủ động ứng phó BĐKH
Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) dưới các loại hình, diễn biến thời tiết cực đoan, như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, rét đậm, rét hại... Chịu tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất là ngành nông nghiệp của địa phương.
Tính riêng năm 2017, diễn biến thời tiết phức tạp đã gây thiệt hại trên 835ha lúa, (trong đó có hơn 1/2 diện tích bị thiệt hại trên 70%); gần 70ha hoa màu bị thiệt hại trên 70%; trên 74ha diện tích ao tôm cá bị ảnh hưởng do mưa lũ và hàng trăm con gia cầm, lợn, trâu bò bị lũ cuốn trôi… Đầu năm 2018, đợt rét đậm kéo dài gần đến cuối tháng 01 đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng sản xuất lúa vụ Đông xuân; trên 400 con gia súc bị chết, thiệt hại gần 7 tỷ đồng…
|
Chủ động thích ứng với BĐKH, tỉnh Điện Biên đã đề xuất danh mục 3 dự án thực hiện triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh. Ngành nông nghiệp chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu lạnh, thích ứng với BĐKH theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết bền vững và sử dụng tài nguyên rừng, nước, đất tiết kiệm, hiệu quả; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống, quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái... nhằm giảm tổn thất do BĐKH, đồng thời ổn định sản xuất giúp tăng thu nhập cho nông dân.